Theo như thống kê, khoảng 5 – 8% phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ, nhất là trong giai đoạn tuần 24 – 28. Tiểu đường thai kỳ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của bé sau này. Vậy, làm thế nào điều trị tiểu đường thai kỳ? Làm thế nào để đem đến cho bé sự phát triển tốt nhất? Dưới đây, Diatarin sẽ cung cấp cho bạn các biện pháp phổ biến, hiệu quả nhất cùng những lưu ý khi điều trị tiểu đường thai kỳ.
Nội dung
Phác đồ điều trị tiểu đường thai kỳ
Mục tiêu:
- Glucose máu trước khi ăn, ngủ: 3,9 – 5,5 mmol/l
- Glucose máu sau khi ăn 1 – 2 giờ: 5,4 – 7,1 mmol/l
- HbA1C nhỏ hơn 6%
Điều trị bằng insulin:
- Sử dụng insulin trước khi ăn và insulin nền vào buổi tối là thích hợp nhất
- Liều khởi đầu: 0,4 – 0,5 đơn vị/kg/24 giờ
- Tổng liều insulin cần chia: 40 – 50% insulin nền, 50 – 60% insulin trước khi ăn
- Điều chỉnh liều dần để Glucose máu đạt được mục tiêu
8 Cách hỗ trợ điều trị tiểu đường thai kỳ
Kiểm tra đường huyết thường xuyên
Tưởng như đơn giản nhưng đây lại là điều mà rất nhiều mẹ bầu bỏ qua. Việc kiểm tra đường huyết thường xuyên sẽ giúp bạn kiểm soát được lượng đường huyết trong máu một cách tốt hơn. Nếu như lượng đường huyết quá cao, bạn có thể điều chỉnh lại chế độ ăn uống và luyện tập cho phù hợp.
Thông thường, bạn được khuyên nên đo chỉ số đường huyết lúc đói, lúc vừa mới ngủ dậy. Tuy nhiên, những các bà bầu nên đo tại nhiều thời điểm trong ngày hơn. Cụ thể là trước mỗi bữa ăn chính và sau khi ăn từ 1 – 2 giờ. Để thuận tiện và tiết kiệm thời gian hơn, bạn nên có một máy đo đường huyết tại nhà và học cách sử dụng nó.
Lượng đường thích hợp tại các thời điểm đo là:
- Khi đói và trước bữa ăn chính: dưới 95mg/dl.
- Sau khi ăn khoảng 1 giờ: dưới 140mg/dl.
- Sau khi ăn khoảng 2 giờ: dưới 120mg/dl.
Lập kế hoạch ăn uống và tuân thủ nghiêm túc
Các nghiên cứu thực tế cho thấy có khoảng 90% các bà bầu sau khi thay đổi chế độ ăn uống cho thích hợp hơn đã cải thiện được tình trạng tiểu đường một cách đáng kể. Việc làm này vừa tốt cho sức khỏe của mẹ, vừa đảm bảo được sự phát triển bền vững của bé sau này.
Chế độ ăn uống dành cho các chị em trong thời kỳ mang thai khá khắc nghiệt. Bạn vừa phải kiểm soát lượng đường trong máu, vừa phải đảm bảo cung cấp được đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho thai nhi. Do đó, để xây dựng được chế độ ăn uống hợp lý, bạn nên nhờ đến sự tư vấn và giúp đỡ của các chuyên gia dinh dưỡng.
Nếu như chỉ xây dựng chế độ ăn uống thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng hơn đó là bạn cần nghiêm túc thực hiện chế độ đó. Chỉ khi tuân thủ nghiêm chỉnh, điều độ thì mới có thể thấy được hiệu quả rõ rệt.
Xem thêm: Thực phẩm cho người tiểu đường: Người bệnh nên ăn và kiêng ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng thích hợp
Dựa trên nhiều nghiên cứu và thực tế, chế độ dinh dưỡng thích hợp nhất dành cho các bà bầu bị tiểu đường thai kỳ là:
- Giảm lượng chất bột đường cung cấp cho cơ thể hàng ngày xuống còn khoảng 50 – 55% tổng năng lượng cần thiết cho cơ thể.
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Thay vì ăn 3 bữa chính, bạn có thể chia ra thành 5 – 6 bữa để hạn chế hấp thu quá nhiều đường cùng lúc.
- Hạn chế ăn những thức ăn có chứa nhiều chất béo, nhất là các đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt. Chúng có chứa một lượng đường khá lớn, hơn nữa lại khó hấp thu, khó tiêu hóa, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
- Bổ sung thêm nhiều chất xơ đến từ rau củ quả hay ngũ cốc. Chất xơ giúp hạn chế nguy cơ bị táo bón, tăng hoạt động của Insulin, làm giảm sự hấp thu đường vào máu, giảm khả năng bị tiểu đường.
- Bổ sung thêm nhiều Vitamin và khoáng chất cần thiết. Đây là điều cần thiết mà ngay cả khi không mang bầu bạn cũng cần thực hiện. Nó sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe và đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi.
- Đạm là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu đối với sức khỏe thai nhi. Đạm cung cấp nhiều acid amin giúp hình thành nên cấu trúc tế bào cùng nhiều cơ quan, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng. Bổ sung lượng đạm cần thiết đủ để cung cấp 20% năng lượng mỗi ngày là cực kỳ cần thiết đối với các chị em bị tiểu đường thai kỳ.
- Hạn chế ăn các thực phẩm được tinh chế từ tinh bột như: bánh mì, bánh ngọt, mì,… Tăng cường ăn các loại thực phẩm từ tinh bột thô như: các loại đậu, hạt, ngũ cốc nguyên cám,… Khi đi vào cơ thể, chúng được hấp thu chậm hơn. Do vậy, lượng đường huyết sẽ không tăng lên quá cao.
- Hạn chế các loại bánh ngọt, thức uống có gas. Những loại thực phẩm, đồ uống này có chứa rất nhiều đường, sẽ khiến chỉ số đường huyết của bạn tăng vọt. Từ đó, gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ và thai nhi. Bổ sung đủ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày là điều cực kỳ cần thiết.
Xem thêm: [Chia sẻ] Chế độ ăn uống phù hợp với các bệnh nhân tiểu đường
Tăng cường vận động
Phụ nữ mang thai cần hạn chế vận động. Điều này là đúng nhưng nó không đồng nghĩa với việc bạn không vận động. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện những động tác, những bài tập thể dục nhẹ nhàng. Không những nó tốt cho sức khỏe toàn thân mà còn được chứng minh có tác dụng trong điều trị tiểu đường thai kỳ.
Khi tập thể dục thường xuyên, điều độ, cơ thể bạn sẽ sử dụng một phần Glucose mà không cần phụ thuộc vào nồng độ Insulin. Từ đó, tình trạng kháng Insulin mà nhiều phụ nữ mang thai đang gặp phải sẽ được đẩy lùi, hạn chế.
Hàm lượng Glucose trong máu thường tăng cao sau khi ăn. Do vậy, biện pháp hiệu quả được nhiều chị em sử dụng hiện nay đó là đi bộ nhẹ nhàng 15 – 20 phút sau khi ăn được 1 giờ. Nếu như ngại đi ra ngoài thì bạn có thể lựa chọn những bài tập nửa người trên đơn giản tại nhà.
Điều các chị em đang mang thai cần lưu ý ở đây vẫn là tránh vận động mạnh, tập luyện quá mức. Để xây dựng chế độ tập luyện tốt nhất cho bản thân, bạn nên nhờ đến sự tư vấn của các bác sĩ.
Tuân thủ phác đồ điều trị tiểu đường thai kỳ
Khi nào thì bạn nên dùng thuốc? Nếu như bạn không có nhiều thời gian để tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng, nếu như bạn đã thay đổi chế độ ăn uống nhưng chỉ số đường huyết vẫn luôn ở mức cao, lúc này bạn sẽ được bác sĩ tư vấn dùng thuốc.
Dùng thuốc như thế nào là hợp lý và không ảnh hưởng đến sức khỏe? Hiện nay, thuốc dành cho phụ nữ tiểu đường thai kỳ duy nhất được Bộ y tế cho phép sử dụng chính là Insulin dạng tiêm. Ngoài ra, những dạng thuốc khác như dạng viên vẫn chưa được chứng minh tính an toàn đối với sự phát triển của thai nhi. Bởi vì, chúng có thể đi qua nhau thai vào cơ thể thai nhi và gây ra những ảnh hưởng về sau.
Để đảm bảo an toàn, các mẹ bầu vẫn cần kiểm tra chỉ số đường huyết đều đặn 4 – 6 lần mỗi ngày vào nhiều thời điểm. Bên cạnh đó, bạn vẫn nên duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt, hoạt động như đã xây dựng.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ luôn luôn rất quan trọng. Một giấc ngủ ngon và đủ giấc sẽ mang đến cho mẹ và thai nhi một sức khỏe tốt hơn. Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc là một trong những dấu hiệu của trầm cảm và điều này hoàn toàn không tốt đối với phụ nữ tiểu đường thai kỳ.
Do vậy, hãy cố gắng đi ngủ sớm hơn, giảm bớt khối lượng công việc để tránh stress, có một giấc ngủ tốt hơn. Nếu như bụng to trong những tháng cuối của thai kỳ khiến cho bạn khó ngủ, khó lựa chọn được tư thế thoải mái thì có thể trao đổi với các bác sĩ về vấn đề này. Bạn sẽ có được những lời khuyên tốt nhất, phù hợp và hữu ích nhất.
Cho con bú sữa mẹ
Tiểu đường thai kỳ ở phụ nữ thường hết sau một thời gian sau khi sinh. Nguyên do một phần xuất phát từ việc cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên. Không những tốt cho sự phát triển của bé mà ngay cả mẹ cũng được kiểm soát hàm lượng đường tốt hơn. Đồng thời, nguy cơ về tiểu đường sau này ở mẹ cũng được hạn chế hơn.
Tái khám định kỳ và tuân thủ đúng quy trình
Sau khi sinh con, chỉ số đường huyết của bạn đã quay về mức bình thường nhưng không đồng nghĩa với việc bạn không bị mắc tiểu đường sau này. Các thống kê cho thấy, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị mắc tiểu đường tuýp 2. Tỷ lệ mắc rất cao, lên đến khoảng 50% và thường sau 5 – 10 năm sau sinh.
Chính vì thế, việc tái khám định kỳ và tuân thủ đúng quy trình là vô cùng cần thiết. Hãy theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên để có thể kiểm soát và ngăn chặn kịp thời. Định kỳ tầm soát tiểu đường tuýp 2 từ 6 – 12 tuần sau sinh và cứ 1 – 3 năm một lần sẽ giúp bạn hạn chế được các nguy cơ có thể xảy ra.
Lưu ý khi điều trị tiểu đường thai kỳ
Một số lưu ý dành cho các chị em bị tiểu đường thai kỳ:
Tuân thủ nghiêm ngặt theo những khuyến cáo của bác sĩ nội tiết và chuyên gia dinh dưỡng.
Đảm bảo quá trình thay đổi chế độ ăn uống và luyện tập được thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế, dinh dưỡng.
Thăm khám đều đặn, thường xuyên để phát hiện nhanh và sớm các triệu chứng, dấu hiệu bất thường.
Kiểm soát cân nặng là một điều vô cùng quan trọng. Tăng cân nhanh và nhiều cũng tiềm ẩn những nguy cơ nhất định. Việc tăng cân bình thường khi mang thai đó là:
- Tăng 12.5 – 18kg nếu có chỉ số BMI trước khi mang thai < 18.5.
- Tăng 11.5 – 16kg nếu có chỉ số BMI trước khi mang thai từ 18.5 – 24.9.
- Tăng 7 – 11.5kg nếu có chỉ số BMI trước khi mang thai từ 25 – 29.9.
- Tăng từ 5 – 9kg nếu có chỉ số BMI trước mang thai > 30.
Làm cha, làm mẹ là thiên chức thiêng liêng, cao quý, là điều tuyệt vời nhất trên thế gian này. Hãy chào đón bé đến với cuộc đời với một cơ thể khỏe mạnh, không bệnh tật, không ảnh hưởng về sau.
Hy vọng rằng với những thông tin chia sẻ trên đây, bạn có một cái nhìn tích cực hơn về tiểu đường thai kỳ. Có rất nhiều biện pháp để có thể cải thiện tình trạng này, đem đến một sức khỏe và sự phát triển tốt nhất cho mẹ và bé. Hãy lựa chọn cho mình những biện pháp thích hợp nhất và kiên trì, tuân thủ nghiêm ngặt để đạt được thành công.