Đái tháo đường đang ngày càng trở thành một căn bệnh không lây nhiễm nhưng phổ biến trên toàn cầu. Theo số liệu năm 2015, trung bình trên thế giới cứ 11 người thì có 1 người mắc bệnh tiểu đường. Tại Việt Nam theo kết quả điều tra vào năm 2015 thì có khoảng 3.5 triệu dân mắc căn bệnh này. Nguy hiểm hơn khi căn bệnh này hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu vì vậy mà theo các chuyên gia, bệnh nhân nên có chế độ ăn hợp lý. Vậy bệnh nhân đái tháo đường nên ăn gì, không nên ăn gì, chế độ ăn như thế nào. Hãy cùng Diatarin tìm hiểu chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường qua bài viết dưới đây.
Nội dung
Vai trò của chế độ ăn hợp lý với người bị tiểu đường
Đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính được đặc trưng bởi sự tăng nồng độ glucose máu thường xuyên do thiếu hoặc giảm tác dụng của hóc môn insulin cùng với các rối loạn chuyển hóa gluxit, protit, lipit. Tình trạng tăng glucose máu trong bệnh đái đái tháo đường sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như bệnh nhân mau chóng gầy và suy kiệt, bị nhiễm khuẩn, bị xơ vữa động mạch hay ngộ độc đường, biến chứng võng mạc, biến chứng thận, biến chứng thần kinh dẫn đến suy kiệt toàn thân, nhiễm toan, nhiễm độc.
Hiện nay, tiểu đường là một bệnh mãn tính chưa có phương pháp điều trị triệt để vì vậy bệnh chế độ ăn uống trongđiều trị tiểu đường là một biện pháp quan trọng và cơ bản để giữ ổn định lượng đường huyết và phòng ngừa các biến chứng của bệnh.
Nếu bạn có một chế độ ăn uống hợp lý, duy trì được lượng đường huyết ổn định cho cơ thể thì bạn sẽ có thể sống cùng với bệnh tiểu đường mà không gặp bất cứ một biến chứng nguy hiểm nào. Đặc biệt đối với bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 2 thì tình trạng của bệnh hoàn toàn có thể cải thiện tốt qua chế độ ăn uống.
Xem thêm: Hạ đường huyết là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng, cách xử trí, phòng tránh
Nguyên tắc ăn uống đối với người bệnh tiểu đường
Về nguyên tắc cơ bản, trong chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường cần phải hạn chế gluxit (chất bột đường) để tránh tăng đường huyết đột ngột và ăn vừa phải dầu mỡ, đặc biệt là mỡ động vật, axit béo bão hòa vì có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa của cơ thể. Cụ thể như sau:
- Nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn sắp, ăn dặm, tránh ăn quá no làm tăng lượng đường huyết đột ngột.
- Ăn uống đúng giờ, điều độ, cân bằng tỉ lệ giữa các thành phần trong bữa ăn theo khuyến cáo của bác sĩ.
- Nên nhai kỹ, ăn chậm vì sẽ làm bạn nhanh no hơn.
- Sau khi ăn không nên ngồi quá lâu mà nên vận động,
- Thường xuyên tập thể dục, thể thao để nâng cao sức đề kháng và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.
- Không nên ăn các loại củ có chứa nhiều tinh bột như lúa, ngô, khoai sắn,… đặc biệt là các loại củ đã nướng.
- Hạn chế ăn hoa quả quá ngọt, bánh kẹo, mứt, siro, sữa, bơ vì có rất nhiều đường ở trong.
- Không ăn mỡ động vật, nội tạng động vật, da, các thực phẩm có chứa nhiều cholesterol.
- Nên bổ sung nhiều rau quả, chất xơ, vitamin cho cơ thể…
- Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để đạt được sự ổn định trong điều trị bệnh, bệnh nhân tiểu đường nên có bữa ăn cân đối giữa các tỉ lệ thành phần tạo ra năng lượng như sau:
- Protein: khẩu phần ăn có từ 15%- 20% protein, tương ứng với 1- 1,2g/ 1 kg cân nặng/ 1 ngày.
- Lipid: khẩu phần ăn có khoảng dưới 25% chất béo, nên ăn các chất béo có nguồn gốc từ thực vật, hạn chế ăn mỡ động vật để ngăn ngừa xơ vữa động mạch và ổn định đường huyết hơn.
- Gluxit: khẩu phần ăn có từ 50 đến 60% lượng đường, nên chọn các loại sản phẩm có lượng đường thấp như gạo lứt, yến mạch, các loại hạt nguyên như đậu xanh, đậu cô ve,…
Người bị bệnh tiểu đường nên ăn gì?
Bệnh nhân tiểu đường nên ăn những thực phẩm thuộc nhóm sau:
Nhóm đường bột
Carbohydrate là một nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, 1 gam carbohydrate có khoảng 4 kcal năng lượng. Nhóm này bao gồm các loại hạt ngũ cốc, nguyên hạt như hạt đỗ, hạt đậu, hạt lạc, gạo còn nguyên cám, các loại rau, củ, quả,…
Các loại sản phẩm này nên được chế biến bằng hấp, luộc, hạn chế việc chiên xào quá nhiều dầu mỡ. Các loại như ngô, khoai, sắn có hàm lượng tinh bột rất cao, cho nên nếu đã ăn các loại này thì bệnh nhân phải hạn chế hoặc cắt giảm cơm.
Nhóm thịt, cá
Protein hay còn gọi là chất đạm là thành phần tham gia cấu tạo vào cơ, bắp, máu. Khi lượng cacbonhydrat không đủ cung cấp năng lượng cho cơ thể thì protein sẽ được thoái hóa để sử dụng làm năng lượng cho cơ thể, 1 gam protein cung cấp 4 kcal năng lượng. Bệnh nhân tiểu đường nên ăn các loại cá nước ngọt, cá biển, ăn thịt nạc, thịt gia cầm đã bỏ da, bỏ mỡ và các loại hạt đậu, đỗ xanh,… được chế biến bằng hấp hoặc luộc, hạn chế chiên xào nhiều dầu.
Nhóm chất béo
Chất béo cũng là một trong ba nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, 1 gam chất béo cung cấp lên tới 9 kcal năng lượng, nên ăn nhiều chất béo sẽ làm tăng cân rất nhanh và tăng tiến triển của xơ vữa động mạch. Bệnh nhân tiểu đường được khuyên ăn các loại chất béo có nguồn gốc không no hay là dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu hoa hướng dương, dầu cá, mỡ cá, vừng….
Nhóm rau
Chất xơ cũng là một dạng cacbohidrat nhưng không cung cấp năng lượng cho cơ thể, ăn nhiều chất xơ giúp tiêu hóa tốt hơn, đường máu không tăng. Bệnh nhân tiểu đường được khuyên nên bổ sung nhiều rau và nhiều chất xơ hơn bình thường, các loại rau có thể được chế biến như luộc, hấp, làm rau trộn, ăn sống nhưng hạn chế thêm các chất sốt có chứa nhiều chất béo.
Trái cây
Cung cấp nhiều vitamin có lợi cho chuyển hóa và đề kháng của cơ thể. Bệnh nhân tiểu đường được khuyên nên ăn nhiều trái cây tươi như thanh long, ổi, cam,… nhưng hạn chế thêm bơ, kem, sữa và không nên ăn các loại quả quá chín và ngọt như sầu riêng, mít, xoài chín, hồng chín,…
Xem thêm: [Hướng dẫn] Các bài tập hiệu quả nhất cho bệnh nhân đái tháo đường
Người bị bệnh tiểu đường nên kiêng gì?
Khi mắc bệnh, để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, trong quá trình ăn uống bệnh nhân tiểu đường cần hạn chế và kiêng các loại thực phẩm sau:
Hạn chế ăn nhiều gạo trắng, bánh mì, miến, bột sắn dây, các loại củ nướng…Đây là các loại thực phẩm có chứa nhiều bột, đường, ăn nhiều sẽ làm tăng đường máu rất nhanh.
Hạn chế ăn mỡ động vật, da, nội tạng của động vật bởi trong các thực phẩm này chứa rất nhiều cholesterol dễ gây xơ vữa động mạch và ảnh hưởng không tốt tới bệnh tiểu đường.
Hạn chế ăn các loại hoa quả sấy, mứt, kem tươi, dầu dừa, bơ, bánh kẹo ngọt, nước ngọt… chứa lượng đường cao.
Hạn chế ăn đồ hộp và các loại thực phẩm chế biến sẵn.
Xem thêm: Biến chứng bệnh tiểu đường: Cơ chế, thời gian biến chứng ở da, ở chân
Gợi ý thực đơn cho người bệnh tiểu đường
Để xác định được thực đơn hợp lý cho bệnh nhân tiểu đường thì bạn phải xác định được cân nặng cần thiết và lượng calo cần cung cấp trong 1 ngày cho bệnh nhân đó để thiết lập được thực đơn phù hợp. Yêu cầu này sẽ thay đổi tùy thuộc vào tuổi tác, cân nặng, giới tính, chế độ lao động và làm việc của mỗi người.
Theo như nghiên cứu, xác định cân nặng hợp lý theo công thức sau:
Đối với nam: cân nặng nên có = chiều cao(m) x chiều cao(m) x 22
Ở nữ cân nặng nên có = chiều cao x chiều cao x 21.
Ví dụ, một bạn nữ cao 1m50 thì cân nặng nên có = 1,5 x 1,5 x 22 = 49.5kg.
Bước tiếp theo xác định nhu cầu năng lượng (kcal). Tùy vào tính chất công việc, cường độ lao động và khả năng vận động:
- Đối với người nằm tại giường thì năng lượng cần thiết = 25kcal x cân nặng nên có.
- Đối với người lao động nhẹ thì cân năng lượng cần thiết = 30kcal x với cân nặng cần có.
- Đối với người lao động trung bình: năng lượng cần thiết = 35kcal x cân nặng nên có.
- Đối với người lao động nặng là 40 kcal x cân nặng nên có.
Sau khi tính được lượng calo cần thiết dành cho bệnh nhân tiểu đường trong một ngày thì tiến hành xây dựng thực đơn dựa trên nguyên tắc đảm bảo cân đối các tỉ lệ thành phần để ngăn chặn xơ vữa động mạch, biến chứng đái tháo đường:
Protein: khẩu phần ăn có từ 15%- 20% protein, tương ứng với 1- 1,2g/ 1 kg/ 1 ngày.
Lipid: chiếm khoảng 25% khẩu phần ăn.
Gluxit: khẩu phần ăn có từ 50 đến 60% lượng đường.
Bữa sáng
Bữa sáng rất quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường vì nó giúp ổn định lượng đường huyết trong ngày, vì thế không nên nhịn ăn sáng. Một bữa sáng cân đối bao gồm 1/4 protein, 1/4 hoa quả và 1/2 tinh bột.
Dưới đây là một số thực đơn tiêu biểu:
- 1 ly cà phê hoặc 1 ly sữa không đường ăn với 2 lát bánh mì
- 1 cốc hạt đậu rang xay nhuyễn với 1 tô phở hoặc một bát bún nhỏ.
- 1 chén cháo đậu đỏ và nửa quả táo.
- 1 đĩa bánh cuốn và 1 miếng dứa.
- 1 tô hoành thánh và nửa quả vú sữa.
Bữa trưa
Bữa trưa bao gồm 1/4 tinh bột, 1/4 của protein và 1/2 rau xanh. Nên ăn nhiều loại rau xanh như xà lách cà chua, ớt đỏ hay là dưa chuột. Thịt thì nên ăn thịt nạc thăn, thịt gà đã loại da, lọc mỡ hoặc là cá.
Ví dụ:
- 1 chén cơm, canh đậu hũ hẹ, thịt mực nhồi thịt sốt cà, súp lơ xào tỏi, nửa quả ổi.
- 1 chén cơm, canh bún mọc, xíu mại, rau xà lách trộn, nửa quả lê.
Bữa tối
Bữa tối có tỉ lệ tương ứng như bữa trưa gồm 1/2 rau xanh, 1/4 tinh bột và 1/4 đạm.
Ví dụ:
- 1 chén cơm thêm thịt kho đậu hũ, dưa cải, 3 quả táo ta.
- 1 chén cơm, cải xoong nấu, thịt kho đậu, dưa cải, 3 quả táo ta.
- 1 chén cơm, canh bí đao nấu thịt nạc, khổ qua xào trứng, nửa quả táo.
Bữa nhẹ
Để ổn định lượng đường huyết trong ngày, bệnh nhân tiểu đường nên chia ra thành nhiều bữa nhỏ ăn trong ngày. Các món ăn nhẹ có thể ăn như một cái bánh quy ít đường, một hộp sữa chua không đường hay là một miếng dưa lê,… Không nên ăn nhiều hoa quả, bánh kẹo có chứa nhiều đường, nước ngọt hay là đồ đóng hộp có chứa nhiều Cholesterol.
Tài liệu tham khảo:
- Diabetes diet: Create your healthy-eating plan. Link: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-diet/art-20044295
- The 16 Best Foods to Control Diabetes. Link: https://www.healthline.com/nutrition/16-best-foods-for-diabetics